4 Phong cách quản lý THU HÚT & GIỮ CHÂN nhân tài của những nhà lãnh đạo giỏi
4 Phong cách quản lý THU HÚT & GIỮ CHÂN nhân tài của những nhà lãnh đạo giỏi
Mỗi nhà lãnh đạo có đặc trưng khác nhau trong việc xây dựng và dẫn dắt đội nhóm kinh doanh. Tuy nhiên, quản lý khéo léo sao cho tránh mâu thuẫn và đảm bảo tốt mối quan hệ giữa các bên liên quan lại là bài toán khó.
Nếu muốn thành công, chắc chắn bạn phải có một đội nhóm vững mạnh và tinh thần đoàn kết tạo thành một khối thống nhất.
4 Phong cách quản lý dưới đây sẽ giúp bạn xác định được điểm mạnh cũng như điểm yếu trong phong cách quản lý của mình, từ đó, làm chủ được phong cách phù hợp nhất để có thể xây dựng một đội nhóm “bất khả chiến bại".
#1. Phong cách quản lý có TẦM NHÌN
Đối với những người lãnh đạo có phong cách quản lý này, họ là người có tầm nhìn trong việc ra quyết định cũng như xây dựng chiến lược, kế hoạch. Đồng thời, họ biết cách tập hợp và phân bổ nguồn lực để thực hiện mục tiêu đề ra.
Trong công ty, họ đóng vai trò như người cung cấp định hướng và lộ trình phát triển nên đội ngũ nhân sự của họ biết rõ mình cần phải chuẩn bị những gì, hoàn thành công việc nào để đem về giá trị cho công ty và cho chính bản thân mình.
Là người đưa ra quyết định cuối cùng nhưng không có nghĩa nhà lãnh đạo có tầm nhìn là người độc đoán. Mọi kế hoạch được đưa ra đều đảm bảo giữ được mối quan hệ hài hoà lợi ích cho các bên, giảm thiểu tối đa mâu thuẫn hoặc sự không đồng nhất trong quá trình thực hiện. Đó là lý do mà người lãnh đạo làm chủ phong cách này cần phải cởi mở để tiếp thu ý kiến của nhân viên và thay đổi khi cần thiết.
Mặt khác, với tầm nhìn rõ ràng, nhà lãnh đạo sẽ dễ dàng tạo dựng, củng cố niềm tin với đội nhóm và nhân viên của mình. Từ đó, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên mới thực sự trở nên gắn kết và bền vững.
#2. Phong cách quản lý DÂN CHỦ
Khác với phong cách quản lý truyền thống: quyết định chỉ được đưa ra bởi lãnh đạo cấp cao, phong cách quản lý dân chủ khuyến khích sự tham gia và đóng góp ý kiến của thành viên trong doanh nghiệp.
Đây là kiểu quản lý tương đối minh bạch, khách quan và xây dựng được sự đồng thuận của giữa các bên liên quan.
Nhà lãnh đạo sẽ có cơ hội tương tác liên tục với nhân viên để tìm hiểu sâu hơn về nguyện vọng, tâm tư, khả năng công hiến cho sự phát triển chung của doanh nghiệp trong tương lai. Bởi phong cách quản lý dân chủ mang lại tiếng nói cho mọi người. Theo đó, nhân viên được tự do thoải mái trình bày ý tưởng và nêu rõ quan điểm cá nhân. Họ không còn cảm thấy bị bỏ rơi khi các quyết định đưa ra có sự cống hiến của mình.
#3. Phong cách quản lý “TRAO QUYỀN QUYẾT ĐỊNH”
Theo phong cách này, nhà lãnh đạo sẽ không trực tiếp can dự mà trao quyền cho nhân viên chủ động ra quyết định và thực hiện các giải pháp để giải quyết vấn đề. Họ chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là cung cấp nguồn lực, tạo ra môi trường cho đội ngũ nhân viên hoạt động.
Tương tự như phong cách quản lý có tầm nhìn, tạo tự do cho nhân viên là một cách tuyệt vời để xây dựng mối quan hệ bền chặt dựa trên niềm tin.
Thông thường, các mô hình tổ chức quản lý không tuân theo một hệ thống phân cấp quản lý cứng nhắc nào là ứng cử viên sáng giá cho kiểu phong cách quản lý này. Trong đó, đòi hỏi bạn phải xây dựng được một ngũ nhân có đầy đủ năng lực và cực kỳ sáng tạo. Nếu không, bạn sẽ rất dễ đối mặt với nhiều vấn đề, chẳng hạn như: hiệu suất đi xuống, doanh số sụt giảm, chi phí tăng cao,...
Khi trao quyền đúng người, đúng việc, nhân viên của bạn cảm thấy tự tin và nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao với kỳ vọng đạt kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên kiểm tra nhằm đảm bảo hệ thống đang vận đúng hướng, không bị sai lệch ra khỏi mục tiêu cuối cùng.
#4. Phong cách quản lý CỐ VẤN
Với phong cách này, nhà lãnh đạo ngoài vai trò ông chủ, họ còn đóng thêm một vai trò khác, đó là hướng dẫn và đưa ra lời khuyên cho nhân viên, bất cứ khi nào nhân viên của họ cần.
Chẳng hạn một nhân viên rất có tiềm năng trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng. Một nhà lãnh đạo cố vấn sẽ tìm kiếm cơ hội cho nhân viên đó tham gia vào dự án kinh doanh trong công ty, khuyên khích anh ta đến các buổi hội thảo nâng cao kỹ năng bán hàng, hay cung cấp nguồn lực giúp phát triển các kỹ năng cần thiết để thành công.
Sự phát triển và phúc lợi của các thành viên trong công ty luôn là mối quan tâm hàng đầu của những nhà lãnh đạo theo phong cách cố vấn. Họ biết cách lắng nghe và có khả năng đồng cảm để kết nối và xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa. Điều này giúp nhân viên cảm thấy an toàn khi bày tỏ ý kiến hoặc phản ánh bất cứ vấn đề gì khiến họ không hài lòng trong công việc.
Trên đây là 4 phong cách quản lý giúp thu hút và giữ chân người tài. Việc lựa chọn phong cách nào làm chủ hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bạn. Hoặc bạn có thể tạo ra phong cách lãnh đạo của riêng mình bằng cách kết hợp các thế mạnh của từng loại. Hãy thử và tìm ra phong cách phù hợp nhất với bạn và sau đó mang đến những điều tốt đẹp cho nhân viên