3 CHIẾN LƯỢC “THẤM KIẾN THỨC” TỪ SÁCH HIỆU QUẢ HƠN
3 CHIẾN LƯỢC “THẤM KIẾN THỨC” TỪ SÁCH HIỆU QUẢ HƠN
🔎 Với hầu hết mọi người, mục tiêu cuối cùng của việc đọc một cuốn sách là để thật sự cải thiện cuộc sống bằng cách học một kỹ năng mới, hiểu được một vấn đề quan trọng hoặc để nhìn thế giới theo một cách mới. Đọc sách là việc quan trọng, nhưng ghi nhớ và áp dụng được những điều đã đọc cũng quan trọng không kém.
Vì lý do đó, bài viết này sẽ chia sẻ đến các bạn 3 chiến lược đọc hiểu để giúp việc đọc sách hiệu quả hơn.
👉 Chiến lược 1: Ghi chú sao cho có thể tìm lại được.
Có một cuốn sổ ghi chú dễ tìm kiếm là điều quan trọng để lưu trữ những ý tưởng. Điều đó làm tăng khả năng bạn sẽ áp dụng những điều đã học vào cuộc sống thực. Một ý tưởng chỉ hữu dụng nếu bạn có thể tìm ra khi cần.
➡️ Bạn có thể sử dụng bất cứ công cụ dùng để ghi chú nào, miễn là nó:
- Dễ tìm kiếm
- Dễ sử dụng trên nhiều thiết bị
- Có thể lưu ghi chú ngay cả khi không có kết nối internet
Ngoài ra, một số mẹo nhỏ tùy theo loại sách mà bạn có thể tham khảo như:
- Đối với sách nói thì bạn nên tạo một ghi chú cho cuốn sách đó và gõ ghi chú khi nghe. Tùy theo khả năng mà mỗi người có thể tùy chỉnh tốc độ nghe phù hợp và sau đó tạm dừng bất cứ khi nào nghĩ ra điều gì để viết.
- Khi đọc một cuốn sách in thì việc gõ phím khi đang đọc có thể là một việc phiền phức vì bạn luôn phải đặt sách xuống rồi nhấc lên lại. Vì thế, bạn có thể đặt sách trên giá đỡ để việc gõ một đoạn trích dẫn dài trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đặc biệt, điều đó cũng giúp bạn rảnh tay khi đọc.
- Còn đối với ebook (sách điện tử) thì bạn có thể sử dụng các máy đọc sách để tô sáng một đoạn văn cần ghi chú. Sau đó khi đọc xong, bạn có thể lưu hết chúng lại vào công cụ ghi chú của mình.
👉 Chiến lược 2: Tổng hợp suy nghĩ khi đọc
Khi đi bạn đi đến thư viện, tất cả các cuốn sách sẽ được phân thành các thể loại khác nhau: văn học, lịch sử, khoa học, tâm lý học,.... Tất nhiên, trong thế giới thực, kiến thức không tách biệt thành các hộp được định nghĩa đâu ra đấy. Các chủ đề trùng hợp và hòa trộn vào nhau. Mọi kiến thức đều có kết nối với nhau.
➡️ Những kiến thức hữu ích nhất thường được tìm thấy ở nơi giao nhau của giữa các ý tưởng. Vì lý do đó, hãy cố gắng suy nghĩ xem cuốn sách đang đọc kết nối với tất cả mọi ý tưởng đang nảy ra trong đầu mình như thế nào. Bất cứ khi nào có thể, hãy cố gắng kết hợp những kiến thức đang học với những ý tưởng trước đó.
Ví dụ:
- Khi Admin đọc cuốn “Tư duy nhanh và chậm” của Daniel Kahneman về phần tiềm thức (Hệ thống 1) chúng ta có thể liên tưởng đến những nội dung trong cuốn sách “Phi lý trí” của Dan Ariely hay “Trong chớp mắt” của Malcolm Gladwell.
- Một ví dụ khác là trong ghi chú về cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” của Stephen Covey, Admin thấy ý tưởng cân bằng các khía cạnh của cuộc sống có nét tương đồng với ý cân bằng giữa công việc và những niềm vui trong cuộc sống qua câu chuyện về “hai giọt dầu” trong cuốn Nhà giả kim của Paulo Coelho.
➡️ Các bạn có thể thêm các chi tiết vào những ghi chú về cuốn sách cụ thể đó. Quá trình kết hợp và kết nối không chỉ quan trọng với việc giúp những ý tưởng mới “dính” vào não, mà còn để hiểu được trọn vẹn hơn vấn đề được đề cập tới.
Thông thường, mọi người sử dụng một cuốn sách hoặc bài viết như một cơ sở cho cả một hệ thống niềm tin. Buộc bản thân phải kết nối các ý tưởng giúp bạn nhận ra rằng không chỉ có một cách nhìn thế giới duy nhất. Những kết nối ý tưởng phức tạp thường là nơi chứa đựng những phần kiến thức đẹp đẽ nhất.
👉 Chiến lược 3: Tóm tắt cuốn sách trong một đoạn văn.
Ngay khi đọc xong một cuốn sách, hãy thử thách bản thân bằng cách tóm tắt toàn bộ nội dung trong chỉ 3 câu. Tất nhiên, sự ép buộc này chỉ là một trò chơi, nhưng cũng là một bài tập hữu ích bởi vì nó buộc chúng ta phải xem lại ghi chú và xem xét điều gì là cốt lõi, quan trọng nhất của cuốn sách.
Bạn sẽ mô tả cuốn sách đó với một người bạn như thế nào? Những ý tưởng chính là gì? Nếu áp dụng một ý tưởng từ cuốn sách ngay lúc này thì bạn sẽ chọn ý tưởng nào?
➡️ Trong nhiều trường hợp, việc đọc đoạn văn tóm tắt và xem lại những ghi chú có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích tương đương việc phải đọc lại toàn bộ cuốn sách.
Nguồn tham khảo: James Clear
P/s: Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng lại nội dung này
**