: 5 bài học “cay đắng” phải cố học để né trong khởi nghiệp, kinh doanh và cuộc sống
Từ Shark Phi: 5 bài học “cay đắng” phải cố học để né trong khởi nghiệp, kinh doanh và cuộc sống
__________________
Dưới đây là 5 bài học “cay đắng” và cả “đau thương” mình đã và vẫn đang học. Thời gian vừa rồi mình đã chia sẻ trên trang cá nhân và sau đây xin chia sẻ để mọi người trong group QT&KN cùng ngẫm và học né qua nhé:
1. Không phải công sức hay sự cố gắng nào cũng được ghi nhận
Bạn cố gắng hết sức để làm việc, để giúp đỡ một ai đó, mang đến một giá trị tích cực cho nơi nào đó mà bạn trân quý nhưng không phải lúc nào người tiếp nhận cũng thấu hiểu. Hoặc, có khi người được nhận cũng hiểu nhưng không muốn ghi nhận vì rất nhiều lý do.
Bạn đau lòng? Tất nhiên, nhưng đừng quá thất vọng. Hãy động viên mình vì những nỗ lực tối đa bao giờ cũng để lại cho bạn “di sản” nào đó, ít nhất là kinh nghiệm, kiến thức. Và rồi, hãy thấy sự phủ nhận đó cũng là một điều may vì bạn sớm nhận ra để tiếp tục hành trình của mình. Và lần này, hãy trao giá trị đúng nơi hơn.
2. Lời hứa có giá trị ...vô cực
Lời hứa có giá trị bao nhiêu hoàn toàn phục thuộc vào người đưa ra nó và người tiếp nhận nó. Vậy nên hãy chuẩn bị tinh thần cho một giá trị tiến về vô cực.
Lựa chọn tin tưởng và ghi nhận lời hứa có giá trị bao nhiêu sẽ quyết định đến niềm tin vã nỗi thất vọng của chính mình. Hãy lựa chọn việc quản lý kỳ vọng của bản thân khi bạn buộc phải chấp nhận thứ chỉ có thể ghi nhận bằng lời hứa.
3. Những “nhát dao” cốt tử có thể là những “nhát dao” cùng một vị trí
Vô số lỗi lầm có thể xảy ra vì tất cả chúng ta đều lớn lên nhờ vào các bài học sau lỗi lầm. Và, tha thứ có ý nghĩa to lớn vì ai trong chúng ta chẳng có lúc có những sai lầm cần được thứ tha. Tuy nhiên, chấp nhận những lỗi lầm lặp đi lặp lại, sự quá dễ dàng tha thứ và vỗ về mình mọi thứ sẽ tốt đẹp nghĩa là vô tình tạo cơ hội cho những “vết thương” liên tục diễn ra. Vậy nên, nếu phát hiện bạn đã tự cứa vào “vết thương” trước đó, đó là dấu hiệu cảnh báo bạn hãy dừng lại.
4. Quản lý cảm xúc bản thân trong mọi hoàn cảnh
Dù bạn có chịu ấm ức, dù bạn đã chịu bất bình, dù có bao nhiêu khó khăn thì người khác khó lòng nhìn thấu. Thứ duy nhất mà mọi người nhìn thấy là cảm xúc bạn đang thể hiện. Vậy nên, kinh nghiệm lớn nhất nếu không muốn ấm ức nhiều hơn và dằn vặt mình hơn là hãy né tránh khỏi đám đông và đừng cố gắng chỉ vì nghĩ “mình cần phải ở đây/đó” hoặc để hài lòng bất cứ ai.
Cuộc sống và công việc dạy bạn khi vui hãy bước ra ngoài, khi tức giận hay ấm ức hãy nép vào trong hoặc trút nó vào một khoảng không vắng lặng nào đấy.
5. Chọn đúng partner quyết định giá trị thời gian và công sức của bạn
Có câu: “Không phải thứ gì lấp lánh cũng là vàng. Không phải người trông đàng hoàng nào cũng là người tử tế”. Chọn lãnh đạo tử tế, đối tác tử tế với bạn quyết định phần lớn vào sự thành bại của những gì bạn theo đuổi. Cái giá của việc chọn nhầm là rất lớn bởi đó là niềm tin, thời gian, công sức, tâm huyết...Thế nên, chậm và chắc. Chọn cùng giá trị (core value) chứ không chỉ là cùng tầm nhìn. Bởi, bạn biết đó, hướng tầm nhìn trông thật giống nhau nhưng con đường, phương tiện và cách đi đến đích có thể rất khác nhau. Hành trình càng dài càng cần người tử tế đi cùng để cùng bạn khoác vai đi qua những ngày “rừng thiêng nước độc”
Phải nói rõ là những bài học này mình vẫn cứ luôn phải học, tới giờ mình vẫn học dở dang, có khi được điểm trên trung bình, có lúc dưới trung bình xa lắc. Dù sao mình vẫn nghĩ chỉ cần có ý thức và cố gắng thực hành thì sẽ có ngày áp dụng hoàn hảo.